Lịch sử hình thành & phát triển Tâm lý học coaching

Buổi đầu

Việc ứng dụng lý thuyết và thực hành tâm lý vào huấn luyện (đặc biệt là huấn luyện thể thao) được cho là bắt nguồn từ thập niên 1920.[2] Năm 1926, Coleman Griffith xuất bản tác phẩm The Psychology of Coaching: A Study of Coaching Method in the Point of View of Psychology.[2] Dựa trên những quan sát về các đội bóng đá và bóng rổ, Griffith đã bàn luận về nhiều khía cạnh của coaching như: hiệu ứng khán giả, vấn đề huấn luyện quá mức, các nguyên tắc học tập.[3] Griffith được ghi nhận là "nhà tâm lý học thể thao đầu tiên của Mỹ", người tiên phong áp dụng khoa học tâm lý học vào huấn luyện.[4] Nhiều năm sau, những nghiên cứu mới về tâm lý học coaching bắt đầu ra đời. Năm 1951, John Lawther từ Đại học Penn State đã xuất bản Psychology of Coaching.[5] Tác phẩm đầu tiên trên WorldCat đề cập đến thuật ngữ "tâm lý học coaching" là cuốn Modern Coaching Psychology của Curtiss Gaylord, xuất bản năm 1967.[6][7]

Thế kỷ 21

Tuy đã xuất hiện từ sớm, lý thuyết tâm lý học coaching đương đại chỉ được hình thành chính thức vào đầu thế kỷ 21.[4] Tháng 1 năm 2000, Anthony Grant triển khai đơn vị nghiên cứu "tâm lý học huấn luyện" đầu tiên tại Đại học Sydney; luận án tiến sĩ của ông đã tạo tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn - nhằm thiết lập lĩnh vực tâm lý học coaching như một ngành học có cơ sở thực tiễn.[8][9] Nhiều nhà tâm lý học huấn luyện coi Grant là người tiên phong trong lĩnh vực này.[4][10]

Năm 2006, Hiệp hội Tâm lý Úc (Australian Psychological Society - APS) tổ chức hội nghị thành lập Nhóm Sở thích về Tâm lý Huấn luyện (Interest Group in Coaching Psychology - IGCP). Ngoài phạm vi nước Úc, Stephen Palmer của Hiệp hội Tâm lý Anh (BPS) thành lập Nhóm Đặc biệt về Tâm lý Huấn luyện (Special Group in Coaching Psychology - SGCP).[4] Cả IGCP và SGCP đều nhằm mục đích phát triển lĩnh vực tâm lý học huấn luyện về mặt lý thuyết và ứng dụng - bằng cách cung cấp nền tảng chia sẻ nghiên cứu và kinh nghiệm liên quan giữa các nhà tâm lý học huấn luyện.[1][4][11] Kể từ khi thành lập IGCP và SGCP, nhiều hiệp hội quốc tế dành riêng cho tâm lý học coaching đã được thành lập ở châu Âu, Trung Đông và Nam Phi.[4] Ngày 18 tháng 12 năm 2006, Hiệp hội Quốc tế về Tâm lý Huấn luyện (International Society for Coaching Psychology - ISCP) được thành lập nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển quốc tế của lĩnh vực này.[4][12]

Biểu trưng của Hiệp hội Tâm lý Úc (APS), tổ chức thành lập Nhóm Sở thích về Tâm lý Huấn luyện (IGCP)

Cùng với thời gian, một số tạp chí bình duyệt chuyên nghiên cứu về tâm lý huấn luyện đã được thành lập. Một số ví dụ bao gồm The Coaching Psychologist (2005) của SGCP,[13] International Coaching Psychology Review (2006) của IGCP và IGCP,[14] Coaching Psychology International (2009) của International Society of Coaching Psychology.[15]